Ở xã hội ngày nay, cụm từ “cúng dường” hầu như quá phổ biến, nói đến ai cũng sẽ hiểu và giải thích được =))) mình tin vậy. Cơ mà chuyện không có gì đáng nói nếu mình nhận ra không phải ai cũng hiểu rõ bản chất của cúng dường là gì, việc này làm mình thấy có 1 vấn đề, đó là sẽ dễ bị “dắt mũi”. Dắt mũi bởi những người có ý không tốt, lợi dụng tấm lòng của người cho đi để trục lợi cho bản thân.
Cúng dường là gì?
Trước khi vào việc giải thích cái bản chất, mình sẽ giải thích cúng dường là gì, dựa trên góc nhìn cá nhân.
Cúng dường là hành động cung dưỡng, dâng lên những lễ vật như hương, hoa, sách, tiền, nến, xây dựng chùa, … để tỏ lòng tôn kính biết ơn lên Chư Phật, Chư Bồ Tát.
Cúng dường cũng nằm trong các việc cho đi. Cho đi bao gồm rất nhiều việc như bố thí, từ thiện, biếu, tặng, dâng hiến, cho, giúp đỡ, … Việc có các từ như vậy là vì trong các trường hợp khác nhau mà chúng ta xài các từ khác nhau, ví dụ, biếu là thường biếu cho người lớn tuổi, bố thí thường dùng khi cho ai đó nghèo khổ, … Về bản chất thì đều là cho đi.
Tại sao lại cúng dường, cúng dường có ý nghĩa gì?
Vậy tại sao chúng ta lại cúng dường, không lẽ các vị ấy cần những thứ đó nên chúng ta mới phải làm vậy chăng? Tất cả đều không phải vậy. Việc cúng dường giúp chúng ta biết cho đi, biết buông xả, mở rộng lòng từ, trừ diệt tâm keo xẻn, ích kỷ. Và trên cuộc đời này thứ gì rồi cũng sẽ diệt, sẽ héo tàn, nên việc biết cho đi là đang tập cho ta buông xả, giúp chúng ta không bám víu vào những thứ không đáng.
Cúng dường còn giúp nuôi dưỡng Tam Bảo. Tam Bảo là Phật, Pháp, Tăng. Phật là những người giác ngộ ra chân lý, đã đắc đạo và về nơi miền cực lạc, mong muốn giải thoát chúng sanh để họ có thể tìm ra lối thoát luân hồi, bể khổ. Vì thế Phật chỉ ra con đường, phương pháp, lợi ích đạt được (mà chính Ngài đã giác ngộ) cho chúng sanh gọi là Pháp. Pháp có thể là kim khẩu từ Đức Phật, từ các ghi chép, … được lưu giữ cho đến ngày nay. Tăng là những người tu sĩ theo Phật học theo con đường của Ngài. Tăng là những vị sẽ đảm nhiệm việc duy trì chùa chiền (nơi cho người ta tu tập), hướng dẫn, giảng pháp, giải đáp, … cho những người khác. Việc chúng ta cúng dường cho chùa về bản chất đang dâng lên cho Tăng nhằm mục đích duy trì Tam Bảo, giúp Tam Bảo lớn mạnh, từ đó sẽ giúp nhiều người hơn đạt được con đường giác ngộ của mình. Tăng đóng vai trò khá quan trọng trong Tam Bảo, có Tăng mới có cộng đồng, mới có lớn mạnh, mà giúp đỡ được nhiều người.
Lợi ích nữa mà cá nhân mình thấy đó là được công đức, và được tiếng tốt. Và đây cũng chính là cái mà người có ý đồ không tốt lợi dụng.
Lợi dụng như thế nào, thì để mình kể cho các bạn nghe một câu chuyện về các ngôi chùa gần chỗ mình sinh sống. Chuyện là khi đi chùa sang đây sẽ được các sư ở đây giảng dạy rằng, phải cúng dường, cúng dường thật nhiều mới có phúc đức, công đức, cúng càng nhiều càng tốt.
Việc nói vậy vô hình chung khiến người đi chùa có suy nghĩ “mình muốn có nhiều công đức thì chỉ cần bỏ nhiều tiền ra là được”. Và khiến những người nghèo khó khăn cảm thấy khó khi muốn đến chùa.
Những lời nói đó theo mình thấy đang mang tính dắt mũi là chủ yếu, những người này về cơ bản đang lợi dụng “cái kết quả” để dắt mũi người khác nghe theo, đi theo cái mà người ta muốn, trong khi không hề chỉ rõ cho người khác thấy tại sao phải cúng dường và cúng như thế nào cho đúng. Dắt mũi như vậy về cơ bản là muốn người khác đóng góp thật nhiều cho chùa của họ, để họ có thể dùng vào mục đích tốt hoặc không tốt (việc này chúng ta sẽ không nói).
Cúng dường phải xuất phát từ tâm của người cúng. Khi cúng dường tâm ta phải thấy vui lòng, phải thấy hoan hỉ, ta cúng dường vì ta muốn góp phần xây dựng chùa chiền, cúng dường để Phật Pháp được lớn mạnh và lan rộng hơn. Cúng dường có nhiều cách như đã đề cập ở trên.
Hiểu sao cho hợp lý
Cúng dường chỉ là một trong nhiều cách cho đi, nhìn chung đều có cái lợi ích chung giống nhau.
Khi cúng dường hoặc cho đi tâm ta phải thực sự hoan hỉ không vụ lợi, không mưu cầu được đền đáp, không cần phải nhớ ơn, không mưu cầu được công đức, tiền tài.
Có nhiều người đi chùa cúng dường cho chùa rất nhiều, việc đó tốt, cơ mà khi nhìn lại, những người thân của người đấy, kẻ thì đói, người không có ăn. Thậm chí khi người thân đến vay mượn vì khốn khó, người đấy còn nói, không có đâu mà cho mượn, có thì cũng để cúng dường cho chùa chứ có tiền đâu mà cho vay được.
Việc cho đi đôi lúc chỉ đơn giản là giúp những người khó khăn gần ta nhất, không cần phải quá to tát, như nhiều người nghĩ.
Về mặt “tiếng thơm”, một khi đã cho đi thì hữu xạ tự nhiên hương, tiếng tốt sẽ tự có, chẳng cần phải bận tâm tìm kiếm cho đi thiệt nhiều để được điều đấy.